:: D O N A - T E C H N O ::

HƯỚNG DẪN TRỒNG CÂY BÒN BON DONA

1. Khoảng cách trồng bòn bon DONA

Khoảng cách cây và hàng trồng Bòn bon thích hợp nhất là 6 m x 6 m. Ở vùng đất phì nhiêu có thể trồng khoảng cách 7 m x 7 m hoặc 8 m x 8 m. Nếu trồng xen với cây ăn quả khác như sầu riêng, chôm chôm thì nên để khoảng cách 10 m (chử ngủ giữa các hàng) theo khoảng cách trồng sầu riêng, chôm chôm.

2. Trồng cây che nắng

Bòn bon là loại cây ăn quả cần có bóng râm mát (cá tính hợp nhất). Do đó người trồng cần có kế hoạch chuẩn bị bóng râm mát trước khi trồng chúng. Cây cho bóng mát phù hợp nhất là cây chuối. Trồng chuối thời gian đầu cần theo dõi đừng để chuối đẻ cây con nhiều, rậm rạp, để mỗi góc từ 2-3 cây là vừa (có thể dùng thân chuối hoặc lá chuối phủ gốc giữ ẩm vào mùa nắng).

Nếu muốn trồng cây bóng mát lâu dài 4 năm trở lên thì có thể trồng cây Me dại. Cây Me dại thân mọc thẳng cao, lá nhỏ nên bóng mát không dày đặc mà lấp ló mặt trời, ngoài ra trồng xen trong vườn dừa cũng tốt. Có thể trồng xen với sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, cà phê,....

Trồng Bòn bon không cây bóng mát, cũng được nhưng cần quan tâm che đậy (thời gian che ít nhất 18 tháng ), chăm sóc kỹ, tưới nước giữ độ ẩm cho cây.

3. Chuẩn bị hố trồng

- Hố trồng có kích cỡ vuông 60 cm x 60 cm, sâu 75 cm. Khi đào hố nên để riêng đất trên mặt (lớp đất phía trên đến 30 cm) ra một bên và đất ở lớp phía dưới ra một bên.

- Lượng phân cho mỗi hố: 10 kg phân hữu cơ hoặc phân chuồng hoai, 200 - 300 g Super Lân trộn đều với đất mặt lấp đầy hố. Nếu không đủ đất thì lấy thêm đất mặt ở xung quanh.

- Trên các vườn cũ đã có trồng cây dùng 50g Basudin 10H và 0,3 kg vôi trộn đều với hỗn hợp đất mặt + phân lấp đầy hố.

- Sau đó tưới đẫm nước (hoặc có ít nhất 2 đến 3 cơn mưa) cho hỗn hợp đất + phân phân hủy nhanh.

- Ở những nơi thoát nước tốt như đất đỏ basalt, đất thịt pha cát chỉ cần lấp đầy hố để sau khi tưới nước, đất lún xuống mặt hố sẽ hơi thấp hơn mặt đất bình thường khoảng 10 - 15 cm. Đối với vùng đất thoát nước kém thì phải lấp đất cao hơn mặt hố từ 10 - 15 cm, sau khi tưới nước, đất lún xuống bằng mặt đất tự nhiên là vừa.

- Riêng đối với đất phù sa đồng bằng Sông Cửu Long, tùy thủy cấp mà đắp ụ hoặc lên liếp tối thiểu 40-50 cm so với mực nước thường xuyên ngập. Hố trồng phải chuẩn bị xong trước khi trồng cây ít nhất là 20 ngày.

4. Trồng cây

Dùng cuốc đào một lỗ nhỏ giữa hố trồng, chiều sâu lớn hơn chiều cao của túi đựng cây giống khoảng 2-3 cm. Sau đó dùng các loại thuốc diệt nấm như: Dethane M-45, Mancozeb, Ridomil... phun xịt thật kỹ vào hố trồng cây, liều lượng theo chỉ dẫn trên bao thuốc. Để túi cây trồng trên mặt đất, dùng dao sắc rạch một đường xung quanh túi nylon, cách đáy 1-2 cm, bóc lấy đáy túi ra. xem xét bộ rễ, dùng kéo sắc cắt bỏ toàn bộ rễ cong queo từ 1-2 cm ngoài bầu đất, sau đó mới đem cây đặt vào hố trồng. Dùng dao rạch một đường thẳng đứng từ trên xuống dưới và bóc túi nylon ra. Sau đó dùng tay vun đất và ấn đất nhẹ xung quanh gốc, không được dùng chân đạp đất. Nếu trồng trong mùa mưa, khi trồng tránh gốc bị ngâm nước. Nếu trồng trong mùa khô nên be bờ xung quanh hố (làm bồn) để khi tưới nước ngấm sâu vào lòng đất, không chảy tràn một cách hợp lý.

5. Chăm sóc cây bòn bon trong năm đầu tiên

Tưới nước:

- Theo tự nhiên cây bòn bon là loại cây ẩm ướt, nếu hạn hán kéo dài mà không được tưới nước thường xuyên cây sẽ chết, cho nên song song với bóng râm làm mát đất, cần giữ chế độ tưới thường xuyên về mùa khô. Mặt khác cây cũng dễ chết do úng nước ở gốc, vì vậy cũng phải theo dõi để kịp thời cho thoát nước, nhất là những vụ mưa dầm kéo dài.

Bón phân cho bòn bon:

Trong năm đầu tiên bón cho mỗi cây từ 300-500 g phân NPK (16 - 16 - 8), chia đều ra làm 3 lần bón trong năm. Dùng que rạch một vòng tròn xung quanh gốc, cách gốc cây khoảng 20 - 30cm, rải phân vào và phủ một lớp đất mỏng lên trên. Trong thời gian cây kiến thiết cơ bản mỗi năm bón 3 lần phần chuồng mỗi lần khoảng 20 - 30 kg.

Phòng trừ sâu bệnh:

Trong năm đầu, cần chú ý đến các loại sâu bệnh có khả năng phá hoại lá, thân cây như các loại sâu ăn lá, sâu cắn vỏ cây, đục thân,...và bệnh thối rễ nguy hại cho cây con.

Cách đề phòng và diệt sâu:

- Làm vệ sinh dọn dẹp cỏ rác trong vườn cho thông thoáng, nhằm xóa bỏ môi trường sống của sâu.

- Thu dọn sạch sẽ gốc cây, cắt bỏ tất cả các cuống chùm trái còn sót trên cây sau khi thu họach.

- Khi phát hiện sâu rầy thì có thể phun một số các loại thuốc như: Trebon, Basa, Decis, Mipcin... và bón Vibasu định kỳ nhằm hạn chế sâu đục thân theo đặc điểm từng vùng.

Cách đề phòng và diệt bệnh:

- Thường xuyên quét dọn quanh gốc cây, đừng để úng nước hoặc độ ẩm quá cao, giảm bỏ phân chuồng, nhất là đang ở thời kỳ mùa mưa lớn.

- Dùng hóa chất diệt vi khuẩn, nấm bệnh như: Aliettre, Ridomil, Zincopper, Mancozeb... theo liều lượng hướng dẫn. ngoài ra vào mùa mưa thường phát sinh bệnh nấm đen, nấm trắng nhưng không nguy hiểm lắm, có thể phun xịt các loại thuốc có gốc đồng, vôi trắng quét lên chổ có nấm./.