:: D O N A - T E C H N O ::

KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC GIỐNG CÂY SẦU RIÊNG DONA



ĐẶC TÍNH CỦA GIỐNG SẦU RIÊNG DONA

Sầu riêng DONA có hương vị phù hợp với đa số người tiêu dùng nên có thị trường rộng nhất hiện nay, chủ yếu được xuất khẩu. Tỉ lệ ăn được lớn (lớn hơn 30%) nên giá cũng cao nhất. Mặt khác, năng suất của giống này rất cao, trung bình từ 30 - 40 tấn/ha. Đó là những yếu tố đem lại hiệu quả kinh tế thuộc hàng bậc nhất hiện nay.

Sầu riêng DONA thích hợp với khi hậu miền nam có 2 mùa mưa nắng rõ rệt.

Sầu riêng DONA không kén đất nên có khả năng phát triển rộng rãi thành vùng sản xuất lớn để thuận lợi cho chế biến, vận chuyển. Yêu cầu tầng canh tác thoát nước tốt trong mùa mưa và có nguồn nước tưới trong mùa khô.


PHƯƠNG PHÁP NHÂN GIỐNG VÔ TÍNH GIỐNG SẦU RIÊNG DONA
2 yếu tố quyết định cây giống phát huy tối đa hiệu quả kinh tế, đó là nguồn gen và phương pháp nhân giống.

Phương pháp ghép ngọn

Nguồn gen: là cây tác giả được đánh giá qua nhiều năm và tuyển chọn nhân giống thành cây đầu dòng. Cây đầu dòng được đánh dấu, công nhận bởi cơ quan chức năng và được chăm sóc đặc biệt, không sử dụng các loại phân và thuốc kích thích tăng trưởng để tránh hiện tượng thoái hóa giống.

Phương pháp ghép: cách ghép ngọn (ghép nêm) được nghiên cứu áp dụng để cây giống có sức sinh trưởng tốt nhất, cho quả sớm hơn, năng suất cao nhất và tuổi thọ dài nhất. Đây là phương pháp ưu việt hơn rất nhiều so với cách ghép cũ có gốc ghép già, tuổi thọ bị rút ngắn, sức sinh trưởng kém vì rễ bị khống chế trong một thời gian dài.

Cây giống sau khi ghép xong sẽ được nhổ ra khỏi giá thể để loại bỏ các gốc ghép bị dị tật, mất rễ cọc, rễ cọc mọc thành chùm... Cây hoàn chỉnh được cấy vào bầu đất và dưỡng trong vườn ươm. Tỉ lệ cây đạt chuẩn sau khi sàng lọc còn lại khoảng 30%.

Cây đạt chuẩn sẽ được xuất vườn đem trồng có các đặc điểm sau đây:

- Cây có sức sống tốt, từ 3 cặp lá trở lên, lá dày cứng, xanh bóng. Chiều cao của cây không phải là yếu tố quan trọng.

- Bộ rễ cây còn đang phát triển trong bầu, chưa bị quấn hoặc bó lại với nhau. Nếu bộ rễ bị quấn lại sẽ phải cắt bỏ phần rễ dư thừa, khi đó sẽ làm mất sức của cây khi trồng.












TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY CON
Cần phải tạo điều kiện đất trồng đầy đủ dinh dưỡng, tơi xốp để cây con thích nghi khi đặt cây xuống trồng.
Vì vậy, khâu làm đất là rất quan trọng.

1. Chuẩn bị hố trồng

Đất càng mềm thì hố trồng có kích thước càng nhỏ. Tuy nhiên, trung bình hố trồng có kích thước 60cm x 60cm x 60cm để lót phân hữu cơ và tạo độ tơi xốp.

Rải đều 0,1 - 0,2kg vôi trong hố trồng. Trộn đều hỗn hợp gồm: 5 - 10 kg phân hữu cơ hoặc phân chuồng ủ hoai mục + 0,2 kg phân lân + 10g Vibasu phòng ngừa mối. Cho tất cả xuống hố trồng rồi nén chặt. Cào đất xung quanh lấp lên tạo thành mô cao hơn mặt đất từ 10 - 20cm. Sau đó tưới đẫm nước cho hỗn hợp được phân hủy nhanh.

Hố trồng cần được chuẩn bị trước khi trồng ít nhất là 15 ngày.

2. Trồng cây

a. Xử lý cây giống:Trong trường hợp chưa kịp trồng cây thì nên để cây tập trung và dùng lưới che nắng 50% cho cây. Tưới cây mỗi ngày để giữ ẩm và có thể phun thuốc Agri-fos 400 phối trộn với Mancozeb nồng độ 0,5% để phòng ngừa bệnh thối thân lá từ vết thương trong quá trình vận chuyển.

b. Đào lỗ: sau ít nhất 15 ngày khi chuẩn bị hố trồng, cần đảm bảo rằng mô đất vẫn còn cao hơn so với mặt đất khoảng 10 cm. Đào một lỗ giữa mô đất có độ sâu 20 cm.

c. Thao tác trồng: dùng dao cắt bỏ phần đáy của bầu đất. Dùng kéo cắt đứt phần rễ thừa quấn quanh đáy (nếu có) . Đặt cây xuống lỗ cho ngay ngắn rồi cắt 1 đường dọc túi nilon. Từ từ tháo túi ra sao cho đất trong bầu không bị vỡ.

Dùng tay lấp và nén nhẹ đất đến 2/3 chiều cao của bầu thì rải đều 5 - 10g phân lân nung chảy hoặc Super lân xung quanh. Sau đó, lấp đất cho đầy lỗ rồi nén nhẹ sao cho đất vừa ngang mặt bầu. Làm bồn xung quanh để giữ nước tưới khi cần thiết.

d. Đỡ cây: cắm 1 cọc thẳng dọc theo thân chính rồi cột dây giữ cho cây thẳng đứng.

3. Chăm sóc cây con

a. Tưới nước: Nên thiết kế hệ thống tưới phun, mỗi cây con có 1 béc tưới. Nếu thấy đất khô thì phải tưới nước giữ ẩm cho cây.

b. Bón phân:

+) Phân hữu cơ: Mỗi năm vào đầu mùa mưa, bón phân hữu cơ đã ủ hoai mục. Lượng bón khoảng 5 kg/gốc cho cây 1 năm tuổi. Sau một năm thì bón tăng lên 5 - 10 kg.

+) Phân đa lượng: Sau khi trồng xong, bón 10g phân NPK 16-16-8-13S cho mỗi cây. Bón những lần tiếp theo khi cây chuẩn bị ra đọt non. Nếu đường kính tán cây tăng gấp 2 lần thì lượng bón cũng tăng gấp 2 lần.

+) Phân trung vi lượng: cây hấp thụ chủ yếu ở dạng lỏng. Dưới rễ, dùng trung lượng KPMGC + vi lượng KP-COMBI tưới vào bộ rễ mỗi khi cây chuẩn bị ra đọt non. Trên lá, dùng trung lượng KP-BOOSTER + vi lượng KP-COMBI phun lên lá kèm với thuốc trừ sâu mỗi khi cây ra đọt non.

c. Tỉa cành tạo tán: Chỉ để 1 thân chính phát triển. Khi cây đạt chiều cao 3 - 4 mét thì tiến hành tỉa bỏ các cành mọc sát đất để cây được thông thoáng. Có trường hợp cây phân bố cành không đều (thiếu 1 bên), khi cây cao được khoảng 1 mét thì bấm ngọn để cây nảy ra 1 thân khác thay thế, khi đó cành sẽ phân bố đều hơn.

PHÒNG TRỪ SÂU RẦY

Rày phấn

Nhiện đỏ

Ấu trùng bọ xòe

1. Rầy phấn:

Xuất hiện khi cây ra đọt non làm lá quăn cháy, khi lá già để lại nhiều đốm vàng dị dạng. Cần chủ động phun hoạt chất Imidacloprid hoặc Abamectin khi đọt non chuẩn bị nở.

2. Nhện đỏ - rầy lửa:

Xuất hiện trong mùa khô nóng gây bạc lá, rụng lá trưởng thành. Luân phiên phun các loại thuốc trừ nhện theo định kỳ mỗi tuần.

3. Sâu đục thân, cành:

xảy ra quanh năm. Cần thăm vườn thường xuyên, nếu thấy vỏ cây bị xì mủ có bã màu nâu đỏ thì nhanh chóng dùng dụng cụ đục bắt sâu bên trong. Định kỳ phun các loại thuốc diệt trứng vào vỏ cây để phòng ngừa.

PHÒNG TRỪ BỆNH HẠI

Bệnh nguy hiểm nhất là xì mủ thân, vàng lá, thối cổ rễ, thối rễ, thối quả. Nên thăm vườn vào lúc sáng sớm, trên thân, cành có những vết nhựa chảy ra làm ướt đốm nâu đen hoặc vỏ cây bị nứt, chảy mủ. Dùng thuốc AGRIFOS 400 (phosphonate) đặc trị nấm Phytophthora trên sầu riêng để phòng trị:

Héo rũ - Thối rễ

Xì mủ thân

Thối quả

1. Phòng bệnh:

Phun ướt đều vào lá, quả (nồng độ 0,5%) định kỳ mỗi tháng. Bổ sung định kỳ 60-75 ngày, dùng 1 trong 2 phương pháp sau:

a. Tưới vào cổ rễ: nồng độ 1% (2 lít/200 lít), tưới 1-20 lít dung dịch/cây tùy theo độ rộng của tán cây. Nếu cổ rễ nằm sâu trong đất thì dùng tia nước xoi đất xung quanh gốc hoặc dùng cần sục chuyên dụng để đưa thuốc vào.

b. Tiêm thân: áp dụng với cây có đường kính thân từ 15 cm trở lên:

Bước 1: Pha thuốc với nước sạch theo tỉ lệ 1 thuốc : 1 nước. Mỗi cm đường kính thân tiêm 2 ml dung dịch thuốc đã pha.

Bước 2 - Chọn vị trí tiêm thuốc: là vùng vỏ trên thân cây có ít cành nhánh ở bên trên theo chiều thẳng đứng.

Bước 3 - Khoan lỗ tiêm thuốc: dùng mũi khoan số 6,5 mm. Lỗ khoan có hướng xiên 45o vào dát (tránh chạm vào lõi cây), chếch lên khoảng 5o, sâu từ 3 - 4 cm.

Bước 4 - Khoan lỗ tiêm thuốc: gắn ống tiêm chuyên dụng gắn thật khít với lỗ khoan và kéo dây nén thuốc vào.

Bước 5 - Trám lỗ tiêm thuốc: dùng vôi ẩm se lại cỡ đầu chiếc đũa rồi nhét sâu vào lỗ khoan, sau đó dùng tay nén chặt.

Lưu ý: không khoan vào vùng có vết bệnh, nơi có cành hoặc lỗ tiêm cũ.

Giữ đất ẩm trong suốt giai đoạn xử lý thuốc.

2. Trị bệnh trên thân cây:

Phun ướt đều tán lá (nồng độ 0,5%). Kết hợp với tưới vào cổ rễ (nồng độ 1%) hoặc tiêm thân 3 lần liên tiếp, mỗi lần cách nhau 15 ngày.

3. Trị bệnh thối quả:

Phun kỹ vào quả, cuống quả (nồng độ 1%). Phun 2 lần liên tiếp cách nhau 3 - 5 ngày.

Khi đã phòng trị bệnh như quy trình thì cũng phòng và trị được các loại bệnh khác như nấm hồng, thán thư, tảo xanh, tảo đỏ (rỉ sắt)...